Bối cảnh lịch sử Trận_Solicinium

Sau khi Hoàng đế La MãJovianus qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 364, quân tướng đã tôn Valentinianus I lên nối vị. Ông liên kết với em là Valens và làm chủ Đế quốc Tây La Mã. Vừa đến thủ đô Mediolanum, ông hay tin các rợ - được cổ vũ do sự suy sụp của Quân đội La Mã trong chiến dịch Ba Tư của Hoàng đế Julianus trước kia - đã tấn công từ mọi phía và cướp phá các tỉnh La Mã. Người Alemanni lần lượt xâm lấn xứ GauleRhaetia mà không vấp phải kháng cự; họ đốt phá làng mạc và bắt cư dân về những khu rừng ở Đức trước khi tướng tá La Mã có thể đánh bại họ. Tháng 1 năm sau, quân Alemanni lại vượt sông Rhine đóng băng, giao tranh với hai Quân đoàn La Mã và dỡ bỏ cờ hiệu của hai Quân đoàn này. Thực chất, hai Quân đoàn này gồm một Quân đoàn người Heruli và một Quân đoàn người Batavi - khi ấy phần lớn quân La Mã là dân rợ.[6] Các tướng lĩnh của Valentinianus I liên tiếp đánh thắng quân Alemanni ở gần Metz, trên sông Moselle và ở Châlons gần Champagne. Hoàng đế cũng thân hành thị sát các thị trấn Rheims, Amiens, Treves, WormKöln, và đẩy quân rợ vào thế thủ ở xứ Gaule.[6]

Cùng thời gian đó, theo bộ sử Ammianus Marcellinus XXVI, nhân lúc cư dân vùng Mainz đã tổ chức nghi lễ Ki-tô giáo, chúa rợ Alemanni là Rando đã đột chiếm Maintz bắt hết nam nữ làm nô lệ và thu được nhiều chiến lợi phẩm[2]. Vụ việc này làm ô uế thanh danh của Valentinianus I, và người La Mã đã báo thù bằng việc gửi sứ thần sang đút lót cho dân Alemanni khiến họ ám sát một vị chúa của họ là Vithicabius. Ngoài ra, Hoàng đế cũng quyết tâm thân chinh kéo toàn quân vượt sông Rhine tấn công người Alemanni để trả đũa trên danh nghĩa toàn đế quốc[3][6][8]. Ông đến Trier vào ngày 13 tháng 10 năm 367 là trễ nhất, và ở đây cho đến đầu năm 368 thì phá trại để lên đường. Ammianus đã miêu tả quy mô lớn chưa từng thấy của cuộc chinh phạt cũng như sự tận tâm của Hoàng đế trong việc huy động và vũ trang cho đại quân. Qua sông Rhine, ông và con là đồng Hoàng đế trẻ tuổi Gratianus đã tiến vào lãnh thổ đối phương một cách thận trọng.[2] Đoàn hùng binh của hai Hoàng đế được yểm trợ từ hai cánh bởi Jovinus và Severus - hai Trưởng quan Kỵ binh ở phía Tây. Ông cũng xuống lệnh cho Bá tước Sebastianus mang các đạo quân ở ÝIllyricum tấn công quân rợ nhất là từ hướng Rhaetia.[8] Tuy nhiên, người Alemanni chủ trương không đánh một trận, khiến các chiến binh La Mã nổi điên vì muốn băm nát quân rợ. Trong tuyệt vọng, lính La Mã đã đốt nhà cửa và đất trồng. Nhưng cuối cùng, do không thể ngăn cản quân La Mã tàn phá làng mạc, người Alemanni đã quyết định đụng độ với người La Mã ở một địa điểm gọi là Solicinium.[2][8] Nơi này không được xác định, nhưng có thể là Sulz am Neckar hay Schwetzingen ở Baden ngày nay.[1] Trong cuốn A Global Chronology of Conflict: From the Ancient World to the Modern Middle East, tác giả Spencer Tucker cũng ghi nhận nơi đây là Sulz trên sông Neckar.[5]